Cúng Đầy Tháng
Liên hệ: 0938 79 79 12

Khi đứa trẻ được 30 ngày, cha mẹ, ông bà sẽ tổ chức cúng đầy tháng cho bé, theo quan niệm gái sụt hai, trai trôi một nghĩa là từ ngày sanh cộng thêm một ngày nữa là ngày đẩy tháng của bé trai, còn bé gái nói là đầy tháng nhưng thực ra chỉ mới... 28 ngày.
Trước một ngày tới đám, hai bên nội ngoại tập trung lại chuẩn bị nấu chè, xôi, làm vài ba con vịt, gà để cúng đầy tháng. Nếu là bé trai thì nấu chè đậu trắng, bé gái thì nấu chè sôi/ trôi nước (theo quan niệm dân gian như vậy bé mới... có duyên).
Sáng ngày được chọn cúng đầy tháng cho bé, ngoài việc chuẩn bị món ăn, thức uống để đãi bà con, hàng xóm, anh em láng giềng, cha mẹ cháu còn chuẩn bị những lễ vật cúng kiếng.
Trong gian nhà chính, người ta bày ba mâm cúng gồm: Mâm cúng Cửu huyền thất tổ. Mâm cúng đất đai viên trạch. Lễ vật bày trên hai mâm cúng này là những thức ăn chín tùy theo mỗi nhà nhưng nhìn chung có các món chính: Cơm, vịt luộc, thịt kho, đồ xào và cù lao hoặc tổ canh hầm,... Và mâm cúng 12 Mụ bà, 13 Đức thầy gồm 12 chén chè nhỏ, 3 tô chè lớn, 13 dĩa xôi được đơm sẵn, 3 chén cháo nhỏ, 1 tô cháo lớn, cặp vịt tréo cánh được luộc chín, trên miệng vịt thường được vắt một nhánh bông giấy hoặc bông bụp..., bình bông, đĩa trái cây, chai rượu trắng, bình trà đã chấm sẵn, dĩa đựng 12 lá trầu đã têm vôi và quấn miếng cau tươi bên trong, cục thuốc rê, mấy hình “con cọp” trên giấy (sau khi cúng xong hình ông Cọp được dán ngay của buồng của bé),...
Bàn thờ Ông Địa, Thần tài trong nhà hay bàn thờ Ông Thiên ngoài sân cũng được bày những dĩa bánh hoặc chẽ, xôi để cúng. Sau khi bày lễ vật, một trưởng tộc hoặc người biết thực hành nghi lễ, đốt cặp đèn cầy cháy sáng rồi đốt 11 cây nhang, đến mâm cúng Cửu huyền, xá, vái trình lễ. Sau đó, đến mầm cúng chính cầm nhang đưa ngang trán, cúi thấp người hoặc quỳ xuống vái, khấn: "Hôm nay, ngày (mùng)... tháng... năm (âm lịch), ngày cháu (nội hay cháu ngoại, nêu họ, tên bé, con của... - nêu tên cha, mẹ bé) tròn 1 tháng tuổi, gia đình chúng tôi bày mâm lễ vật chè, xôi, hoa trái, trầu thuốc, vịt luộc (heo quay, nếu có), cùng ba chung rượu lạt, cung thỉnh 12 Mụ bà, 13 đức Thầy trước về chứng minh nhận lễ, sau tiếp tục phù trợ cho cháu (tên...) mạnh tay, mạnh chân, mau lớn, hiền, ngoan, phù trợ cho gia đình an vui, hạnh phúc. Kính mong chư vị hiển linh quang lâm chứng giám…. Sau đó, cắm ba cây nhang lên cái khúc bụp dừa nước hay lon gạo (được coi như cái lư hương tạm).
Đến mâm cũng đất đai, vái, khấn ngắn gọn (nội dung mới chư vị Thổ thần về ăn uống, chứng giám), cắm ba cây nhang tương tự như mâm cúng chính. Hai cây nhang còn lại được chủ lễ vái và cắm ở bàn thờ Thần tài, Thổ địa đặt ở chân vách nhà (một cây) và bàn thờ Ông Thiên ngoài sân (một cây).
Khi nhang cháy chừng quá nửa cây, người chủ lễ rót ba tuần rượu (ba lần) và ba tuần trà để cúng ở tất cả các mầm Sau nghi thức cúng kiếng, người ta tiến hành nghi thức khai hoa, dân gian còn gọi là “bắt miếng”. Người mẹ ắm bé và ngồi ở bàn giữa, chủ lễ rót trà đốt nhang xin phép để thực hiện bắt miếng. Xong, chủ lễ đưa tay bồng đứa trẻ từ mẹ cháu, tay kia cầm một nhánh bông điệp (có thể là thứ bông khác như bông giấy, vạn thọ,...) vừa quơ qua, quơ lại trên miệng cháu bé vừa dạy những lời tốt đẹp như sau:
Mở miệng ra cho có bông, có hoa/ Mở miệng ra cho cha thương, mẹ nhớ Mở miệng ra cho có bạc, có tiền/ Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến,...)
Lễ cúng vừa diễn ra thì mẹ của bé ăm cháu ra để một người nào đó trong thân tộc, khéo tay dùng kéo hớt sạch tóc, chỉ chừa một chỏm trên đỉnh đầu (gọi là hớt tóc máu). Nghi thức này nhằm để cho tóc đứa nhỏ sau đó mọc màu hơn, dày hơn, và hoàn toàn “sạch sẽ”, bỏ đi sự yếu ớt, đem lại sự mạnh mẽ hơn.
Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà hoặc tiền lì xì của và khách mời, của dòng họ bà con cho bé và gia đình nhân ngày cháu tròn một tháng tuổi. Lễ xong, mọi người cùng ăn chè, nhâm nhi vài ba chung rượu để chia vui cùng chủ nhà.
Nguồn: trích Phong Tục Miệt Sông Hậu