Cúng Căn
Liên hệ: 0938 79 79 12

   Khi trẻ lên 3, lên 6, lên 9, nhiều gia đình tổ chức đám, cúng căn, với ý nghĩa tạ ơn các mẹ  sanh đã giúp trẻ vượt qua căn nợ của mình. Khi trẻ đủ 12 tuổi, thoát nạn hữu sanh vô dưỡng thì gia đình làm lễ cúng dứt căn, mang ý nghĩa tạ ơn lần cuối, tất nhiên là linh đình hơn. Lễ vật cúng căn hay cúng đỡ đốt cũng có chè, cháo, hương hoa như cúng mụ.
Đặc biệt trong lễ cúng phải có 12 cái roi ngựa làm bằng giấy màu, gọi là cái "bông chi", cúng xong đem giắt lên mái nhà lưu giữ.
Đối với người Khmer, đồng bào có cúng "lễ giáp tuổi" với ý nghĩa nhằm cúng thần thánh xua đuổi tà ma cho những đứa con trai vừa tròn một giáp (12 tuổi). Sau khi ông Lục tụng kinh, người ta đốt cháy sáp trong một đồ đựng bằng kim loại, cho nhang vào, úp chén cho lửa tắt rồi mới mở ra, đổ nước vào khuấy đều, pha thêm dung dịch có mùi thơm mà vẩy lên người đứa trẻ để trừ tà, người ta làm như vậy thể hiện ước muốn cho đứa trẻ con lớn lên sẽ khỏe mạnh, cường tráng (thường lễ này làm chung với lễ đi tu).
Tóm lại, việc tổ chức mừng cho đứa trẻ sanh ra hòa nhập với thế giới con người và sống khỏe mạnh sau 30 ngày thì gọi đầy tháng, hay tròn một năm đầu đời thì được gọi là thôi nổi và sau này cứ ba năm, người ta lại tổ chức lễ cúng lớn mừng cho trẻ (dân gian không thực hiện lễ sinh nhật hàng năm). Các nghi lễ đầy tháng, thôi nôi, cúng căn vừa thể hiện ước nguyện cho đứa trẻ ăn ngoan, mau lớn, ngoan hiền, lễ phép, học giỏi,... vừa để mọi người mừng một thành viên mới và khẳng định sự có mặt của cháu bé trong cõi đời từ đó.
Nguồn: trích Phong Tục Miệt Nam Sông Hậu